Quang Vương's profile

Liêu Trai Chí Dị

LIÊU TRAI CHÍ DỊ – HIỆN THỰC TỪ TRONG NHỮNG ĐIỀU KỲ ẢO
Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh được coi là một kỳ thư và là đỉnh cao của tiểu thuyết văn ngôn thời cổ đại. Đây là một tác phẩm khá quen thuộc với những khán giả Việt Nam qua màn ảnh rộng cũng như qua những trang sách. Nhưng liệu chúng ta có biết được ý nghĩa sâu xa đằng sau những chi tiết ma mị ở bối cảnh mà tác giả đã vẽ nên hay không? 
Hãy cùng Hoa Lạc tìm hiểu đằng sau bức tranh liêu trai ấy là gì nhé?
Contents:
1 Bối cảnh lịch sử và sự ra đời của tác phẩm Liêu Trai Chí Dị 
2 Bồ Tùng Linh – cây bút tiêu biểu của văn học hiện thực Trung Hoa
3 Liêu Trai Chí Dị – hiện thực từ những điều kỳ ảo
4 Những truyện ngắn tiêu biểu trong Liêu Trai Chí Dị
4.1 1. Họa bì 画皮
4.2 2. Họa bích 画壁
4.3 3. Dế chọi 促织
5 Tổng kết:
Bối cảnh lịch sử và sự ra đời của tác phẩm Liêu Trai Chí Dị 
Thanh triều là một xã hội có sự phân hoá rõ ràng giữa các giai cấp và dân tộc trong lịch sử xã hội phong kiến Trung Quốc. Trong cái xã hội phong kiến đầy những lễ nghi kèm theo đó là sự bất công đối với số phận những con người từ lúc họ được sinh ra.

Trong một xã hội phân hoá dựa trên tầng lớp và dân tộc, thì số phận của một người bị giới hạn ngay từ lúc họ mới sinh ra. Những người Hán và người Mông Cổ sẽ không được đảm bảo về quyền lợi nếu họ không cùng giai cấp cầm quyền – người Mãn. Xã hội ấy đã đặt ra sự khắc nghiệt không cho con người ta thay đổi chính vận mệnh đã được xã hội áp đặt.

Xã hội phong kiến đề ra cả nhưng hủ tục và lễ nghi áp đặt lên quyền lợi và dân chủ của con người. Trong thời phong kiến, những quan điểm và định kiến khiến cho con người ta không thể theo đuổi những ước mơ và tình cảm của mình. Người đàn ông bị gánh với những con đường công danh sự nghiệp, còn người phụ nữ phải theo những lễ nghi giữ bổn phận của mình trong xã hội. Tình yêu trong xã hội khí đó là một điều gì rất xa xỉ, vì ngoài những cuộc hôn nhân chính trị để đảm bảo quyền lợi của giai cấp cầm quyền và gia đình, còn lại đều không thể thoát khỏi những quan niệm “môn đăng hộ đối”, sự áp đặt, định kiến của xã hội…

Từ bối cảnh lịch sử khắc nghiệt như thế, những áng văn phản ảnh và phê phán chế độ đương thời được ra đời, trong đó tiêu biểu là Liêu Trai Chí Dị. Sự ra đời của tác phẩm như những nét bút chấm phá giữa cái sự tối tâm của hiện thức xã hội lúc bấy giờ. Cũng giống như hiện thực mà Liêu Trai Chí Dị đang lên án ẩn đâu sau nét ma mị, liêu trai mà chính tác phẩm đã vẽ nên.
Bồ Tùng Linh – cây bút tiêu biểu của văn học hiện thực Trung Hoa
Bồ Tùng Linh (蒲松龄) là một văn sĩ người Trung Hoa dưới triều đại nhà Thanh. Ông sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở huyện Truy Xuyên (nay là thuộc tỉnh Sơn Đông). Tổ tiên ông thường được cho là người Mông Cổ. Vào năm Thuận Trị thứ 14, ông thi đỗ tú tài khi mới 18 tuổi, nhưng mãi cho đến năm Khang Hi thứ 50, ông mới được bổ làm cống sinh, khi đó ông đã 71 tuổi.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Liêu trai chí dị. Đây cũng được coi là đỉnh cao trong thể loại truyện ngắn cổ điển của nền văn học Trung Quốc. Liêu Trai Chí Dị đã góp phần đưa ông đến sự quan tâm của công chúng.
Liêu Trai Chí Dị – hiện thực từ những điều kỳ ảo
Tác phẩm ra đời vào đầu đời nhà Thanh (cuối thế kỷ 17). Đề tài chủ yếu của tác phẩm xoay quanh những câu chuyện do tác giả sưu tầm trong dân gian, hoặc rút từ truyện chí quái đời Lục triều, các truyện truyền kỳ đời nhà Đường rồi được thêm thắt biến hoá. Hầu hết các truyện nói về thần tiên ma quái… nhưng không chỉ vậy, xuyên suốt các tác phẩm là những câu chuyện về người và việc trong cuộc sống hiện thực. Nhưng ẩn đằng sau cái thế giới ma mị và liêu trai ấy, tất cả những chất liệu ấy được tác giả xử lý một cách khéo léo, ngầm ý chỉ trích nền chính trị tàn bạo, bất công dưới triều đại nhà Thanh đương thời, phê phán thói hư tật xấu của bọn nho sỹ, thể hiện những tư tưởng dân chủ trong vấn đề hôn nhân, tình yêu và quyền tự do của con người trong xã hội lúc bấy giờ.
Những truyện ngắn tiêu biểu trong Liêu Trai Chí Dị
1. Họa bì 画皮
Hoạ Bì kể về Vương Sinh người Thái Nguyên (nay là Sơn Tây) ngẫu nhiên đi đường gặp một cô gái xinh đẹp nói mình đang lâm nạn, Vương Sinh dù đã có vợ nhưng vẫn động lòng đưa cô gái về nhà rồi cùng chung chạ với nhau. Một ngày kia, một vị đạo sĩ đi ngang qua thấy Vương Sinh có tà khí trên người bèn cảnh tỉnh khuyên ngăn nhưng Vương Sinh không nghe. Khi về đến nhà, Vương Sinh lén nhìn qua ô cửa của căn phòng cô gái mình đưa về thì phát hiện cô là con quỷ đội lốt da người, đêm đêm đều hiện nguyên hình quỷ tô vẽ cho tấm da mỹ nhân xinh đẹp kia, Vương Sinh sợ hãi tìm đạo sĩ giúp. Đạo sĩ đưa cho anh một chiếc phất trần dặn đem treo ở nhà. Con quỷ ban đầu còn sợ nhưng về sau liều xông vào móc tim Vương Sinh rồi bỏ trốn. Vợ của Vương Sinh là Trần thị biết tin thì đau lòng cầu xin đạo sĩ cách cứu chồng. Lúc đầu đạo sĩ còn từ chối nhưng do Trần thị thiết tha nài nỉ nên ông mới bày cách. Ông dặn Người vợ đi tìm một người điên ở chợ, lại dặn dù có bị đánh đập hay làm nhục vẫn phải nhẫn nhục cầu xin người ấy. Trần thị tìm được người điên dù bị cào cấu đánh đập cũng vẫn nhẫn nhục. Người điên lại bắt bà phải nuốt cục đờm của mình rồi sau đó đi mất. Không được việc gì lại phải chịu nhục nuốt đờm người khác, Trần thị tủi hổ về khóc bên xác chồng, bỗng thấy cổ vướng liền nôn ra một quả tim rơi vào ngực của người chồng, nhờ vào đó Vương sinh sống lại. Câu chuyện nhỏ Họa Bì trong Liêu Trai Chí Dị đã vạch trần dục vọng và lòng tham của con người, cho thấy con người thường dễ bị mờ mắt bởi những giá trị hào nhoáng bên ngoài mà không đề phòng những hiểm họa ẩn giấu bên từ bên trong.
2. Họa bích 画壁
Hoạ bích trong Liêu Trai Chí Dị kể về Mạnh Long Đàm cùng một viên Chu Hiếu Liêm lên kinh đô. Họ tình cờ vào chơi một ngôi chùa có một vị sư già. Chu tình cờ đi lọt được vào bức vẽ trên tường, rồi quen biết tằng tịu với một cô gái trong bức hoạ đó. Không thấy Chu Hiếu Liêm, Mạnh Long Đàm liền hỏi vị sư già kìa. Vị sư liền gọi, Chu Hiếu Liêm từ bức hoạ đi ra. Chu Hiếu Liêm hốt hoảng hỏi vị sư già nguyên cớ, sư đáp “Ảo giác từ lòng người sinh ra, lão tăng làm sao giải thích được?”, cả hai bất giác kinh hãi, tạm biệt rời đi.
3. Dế chọi 促织
Bọn quan triều đình muốn lấy lòng vua nên đem dâng lên những con dế chọi. “Vua thấy chọi hay quá đòi phải cung tiến th­ường xuyên”. Vì tìm dế để dâng cho vua mà bao gia đình lâm vào bi kịch. Nhiều gia đình khuynh gia bại sản khi đến lượt cống nạp dế. Thành Danh là một người hiền lành nên không chèn ép dân chúng, nên phải tự đi tìm dế. Tìm mãi không được, mà hạn đã đến, Thành Danh bị quan phạt đánh đập, lo lắng đến muốn tự vẫn. Vợ Thành Danh đi xem bói, biết nơi có dế tốt. Thành đã bắt được một con dế chọi như ý. Nhưng không may, đứa con nhỏ làm dế chết. Bị mẹ trách mắng, nó sợ hãi nhảy xuống giếng và bị chết đuối. Thành Danh mất con, mất dế. Đứa nhỏ sống lại nhưng vô hồn. Hồn thì hóa thân vào con dế. Dế nhỏ nhưng nhanh nhẹn và chọi rất hay. Dế mang cống nạp cho vua, chọi hay lại biết nhảy múa, vua rất ưng và ban thưởng cho bọn quan. Gia đình Thành Danh được vinh hoa phú quý. Câu chuyện đã nêu lên một hiện thực trong xã hội, giai cấp cầm quyền – quan lại ức hiếp, tàn bạo dân lành. Chỉ vì một thú vui của giới quý tộc mà khiến cho biết bao gia đình rơi vào cảnh khốn khổ. Hình ảnh “con dế” trong Liêu Trai Chí Dị là minh chứng cho việc sinh mệnh và quyền lợi của con người trong xã hội khi ấy rất nhỏ bé và mong manh. Chỉ vì thú vui của trong cung, niềm vui của một người gọi là “thiên tử” mà khiến cho số phận của những người dân trong thời đó phải trả giá bằng chính cả tính mạng của mình. “Ngay cả khi chết rồi họ cũng có thể biến thành trò tiêu khiển cho giới quý tộc, một chút ngẫu hứng của thiên tử cũng có thể đẩy trăm họ vào thác oan”.
Tổng kết:
Liêu Trai Chí Dị được tạo nên từ những chất liệu đậm chất dân gian đầy ma mị. Qua đó, Bồ Tùng Linh đã khéo léo vẽ nên một bức tranh mang đậm chất hiện thực của xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Đó cũng là một niềm hy vọng của tác giả về một xã hội công bằng mà tất cả con người thời ấy đều muốn hướng đến. Đến với Liêu Trai Chí Dị, độc giả sẽ như một lần cùng đắm mình trong sự hư ảo của tác phẩm và có thêm một góc nhìn hoàn mỹ hơn về cuộc sống mà tác giả muốn gửi gắm qua những đứa con tinh thần của mình.
Liêu Trai Chí Dị
Published:

Liêu Trai Chí Dị

Published:

Creative Fields